Ông Tô Lâm đã chứng minh, chế độ này không thể tiếp tục được nữa

Ngày 3/1/2025, kỹ sư – nhà hoạt động chính trị Nguyễn Gia Kiểng viết trên Facebook cá nhân của mình bài “Đầu voi đuôi chuột?”.

Tác giả đề cập đến tuyên bố ầm ĩ của Tổng Bí thư Tô Lâm, về “cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy”, để đất nước tiến lên mạnh mẽ, “vừa chạy vừa xếp hàng”, mở ra “kỷ nguyên vươn mình”.

Tác giả cho rằng, đây trước hết là một sự xúc phạm ngôn ngữ.

Bởi lẽ, “cách mạng” có nghĩa là thay đổi cả chế độ chính trị lẫn chính quyền. Nhưng vẫn giữ nguyên cả 2 thì có gì là “cách mạng”? Còn “tinh gọn bộ máy”, cùng lắm chỉ là một cải tổ nội bộ.

“Kỷ nguyên” là một giai đoạn rất dài, bắt đầu bằng một thay đổi rất lớn và rõ rệt về nếp sống và cách sống. Thí dụ như sự khám phá ra máy hơi nước đã mở ra kỷ nguyên kỹ nghệ. Nên Việt Nam không thể có “kỷ nguyên vươn mình”, ngay cả nếu đạt mục tiêu tăng trưởng 7%.

Mặt khác, thế nào là “vừa chạy vừa xếp hàng”?

Xếp hàng là tôn trọng thứ tự, không qua mặt người trước. Thế thì làm gì còn thi đua? Và nếu người trước chạy chậm thì tất cả những người phía sau đều phải chạy chậm?

Tác giả nhận xét, thật đáng thương cho những cán bộ tuyên giáo, cứ phải tra tấn trí óc mình để cố giải thích những cụm từ vô duyên này.

Tác giả đặt vấn đề, cuộc “cách mạng tinh gọn bộ máy” sẽ đem lại kết quả nào?

Sẽ chỉ có 100.000 người bị sa thải, khoảng 2% công viên chức, trong khi chính quyền nhìn nhận là có tới 35% người vô dụng, chỉ sáng sách ô đi chiều sách về. Trong khi đó, chính quyền Cộng sản dự kiến phải chi cho dự án này 130.000 tỷ đồng, nghĩa là gần 2% GDP của Việt Nam. Một việc gây tốn kém lớn nhưng không nội dung lại không có gì.

Cụ thể hơn, trong phát biểu trả lời phỏng vấn của kênh Người Việt Channel, cũng ngày 3/1, ông Nguyễn Gia Kiểng nói, một trong những thành công của Đảng Cộng sản là làm cho người Việt chán đất nước Việt Nam.

Theo tác giả, từ ngữ đao to búa lớn mà giới lãnh đạo Cộng sản sử dụng, cũng tố giác một điều, rằng, các hoạt động chính trị ở Việt Nam không có ý nghĩa đích thực của nó.

Nhu cầu tinh gọn bộ máy là có thực, nhưng nó không phải là mục đích của chiến dịch này. Mục đích thật sự, đó là, ông Tô Lâm cần chứng tỏ bản lĩnh, và cần làm gì đó để chứng tỏ, nên ông tung ra chiến dịch này, như là một cái “mới”, nhằm gây tiếng vang để củng cố quyền lực và để tái đắc cử trong Đại hội 14.

Tác giả nhận định, dù còn phải đợi đến ngày 31/3 – thời hạn ông Tô Lâm đưa ra để hoàn thành kế hoạch trên, nhưng nay cũng đã có thể khẳng định rằng, chiến dịch này không có gì để hy vọng thành công.

Thành công duy nhất lại không phải là mục đích của ông Tô Lâm, bởi qua chiến dịch này, ông đã tố giác sự bê bối, sự cồng kềnh, và sự tê liệt trong bộ máy. Ông đã chứng minh rằng, chế độ này không thể tiếp tục được nữa.

Mặt khác, tác giả phân tích, quyền lực mà ông Tô Lâm có được, không phải do công lao, do bản lĩnh lãnh đạo đất nước, nên nhiều người không tán thành ông. Từ khi vào ngành công an, ông Tô Lâm chỉ làm một việc là đàn áp chính trị, và đó cũng là “nghề gia truyền” của gia đình ông.

Một mặt, Tô Lâm đã loại được hết đối thủ, nhưng mặt khác, ông lại không phải là người có đủ khả năng để quản lý, điều hành đất nước.

Tác giả bình luận, năm 2024 là năm mà chính quyền Cộng sản Việt Nam bất ổn nhất, hỗn loạn nhất. Bước vào năm 2025, Tô Lâm phải đối mặt với 3 vấn đề: Một là ông bị cô lập; hai là ngày càng chứng tỏ bản lĩnh thiếu hụt; ba là chính sách “tinh gọn bộ máy” thất bại .

2025 sẽ là một năm rất bất ổn cho Việt Nam, không thể dự đoán được những gì sẽ xảy ra. Điều duy nhất có thể dự đoán được là sẽ rất lộn xộn.

 

Quang Minh – thoibao.de